Hành Trình 30 năm Từ Xây Lắp Đến Ông Lớn Công Nghiệp Viễn Thông Của Viettel
Thành tựu làm ra từ đôi tay người lính
Ngày 1/6/1989, Công ty Điện tử thiết bị thông tin Sigelco với 9 nhân viên và số vốn ít ỏi do Quân đội cấp được thành lập, đó cũng là tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel ngày nay.
Những nhân viên đầu tiên của Viettel xuất thân là kỹ sư, trí thức từ quân đội chuyển sang làm kinh tế. “Vũ khí” của họ là tinh thần quân nhân để vượt qua mọi khó khăn, chinh phục những thử thách. Trong 5 năm đầu tiên sau thành lập, Viettel thuần túy là đơn vị hỗ trợ cho Tổng cục bưu điện (tiền thân của VNPT). Tuy nhiên, Tập đoàn cũng nhanh chóng học hỏi, tạo nên nhiều thành tựu đáng nhớ.
Năm 1990, Viettel hoàn thành tuyến viba số AWA đầu tiên của Tổng cục Bưu điện, đảm bảo chất lượng thông tin liên lạc. Đây là công trình đầu tiên của lực lượng xây lắp công trình của Sigelco và cũng là công trình đầu tiên được hoàn thành trong điều kiện cơ chế quản lý kinh tế mới. Dự án này mở ra triển vọng thực hiện các hợp đồng xây lắp công trình thông tin phục vụ kinh tế – xã hội trong cơ chế thị trường những năm sau này cho Viettel.
Trong câu chuyện kể về quá trình xây dựng tuyến viba băng rộng, thế hệ đầu tiên của Viettel vẫn nhắc đến đề tài nghiên cứu “Truyền sóng viba qua địa hình rừng núi và hải đảo Việt Nam”. Đây cũng là cơ sở giúp Sigelco thiết kế hoàn thiện toàn bộ tuyến viba được xem là khó khăn nhất Việt Nam.
Để làm tuyến viba ra đảo Bạch Long Vĩ, nhiều cán bộ Viettel ngày ấy kể lại phải ra đảo nằm suốt 10 ngày đêm tính mức sóng. Khi công trình hoàn thành, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (sau này là Chủ tịch nước) ra tận nơi thực hiện cuộc gọi về đất liền. Từ ngày ấy, thông tin liên lạc giữa 2 vùng đã thông suốt.
Đến năm 1995, Viettel được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông với đầy đủ các loại dịch vụ. 4 năm tiếp theo, Viettel hoàn thành đường trục cáp quang 1A dài 2.000 km Bắc – Nam. Tuyến 1A cũng là đường trục cáp quang đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế, thi công không có sự tham gia của nước ngoài. Dự án đồng thời là trục cáp có công nghệ hiện đại nhất Việt Nam, áp dụng thành công sáng kiến thu – phát trên một sợi quang, khởi đầu cho nhiều dự án sau này của Viettel.
Trong suốt những năm tháng đất nước còn khó khăn, những cán bộ Sigelco – Viettel luôn làm việc tâm thế “phải tồn tại và phải làm việc có ích cho tổ quốc sau mới đến lợi nhuận”.
Giờ đây, tại Việt Nam, Viettel đã có tới 5 đường cáp quang với tổng chiều dài tương đương 7 lần xích đạo. Còn nếu tính số km cáp quang của Viettel trên toàn thế giới, chiều dài có thể lên tới 9 lần.
Bước chuyển mình công nghệ số
Từ Sigelco, một công ty đi xây lắp thuê, Viettel bước sang giai đoạn 2.0 trong giai đoạn 2000-2010, Tập đoàn phát triển trở thành công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam.
Nhà mạng quân đội đã phá vỡ thế độc quyền và biến dịch vụ viễn thông từ cao cấp trở nên bình dân, thiết yếu phục vụ mọi tầng lớp. Mọi người dân và thành phần kinh tế Việt Nam đều có sự thay đổi nhờ tiếp cận tri thức và kết nối thông tin dễ dàng với chi phí thấp.
Cho đến năm 2018, Viettel đã hoàn thành giai đoạn 3.0, trở thành Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao hàng đầu Việt Nam. Theo xếp hạng của Hiệp hội Di động toàn cầu GSMA, Viettel đứng thứ 25 về thương hiệu viễn thông toàn thế giới; Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao; Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu.
Tập đoàn xác định phải xây dựng tầm nhìn đi trước thời đại để đem đến thế mạnh cạnh tranh. Ngay từ năm 2006, 2 năm sau khi bước vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ di động, Viettel đã phát triển ra thị trường nước ngoài. Đến năm 2018, Viettel trở thành Tập đoàn đa quốc gia với 30.000 nhân viên tại 11 thị trường quốc tế, trải rộng trên 3 châu lục. Tại hầu hết các thị trường, Viettel đều tạo nên những dấu ấn trong ngành viễn thông, với kết quả kinh doanh khả quan.
Trong lĩnh vực công nghệ chế tạo, Viettel gây ấn tượng tại Triển lãm Indo bằng mẫu máy bay không người lái cỡ nhỏ (UAV) Defence Shikra, trọng lượng 26 kg và sải cánh 3,5 m. Viettel đã nghiên cứu sản phẩm từ năm 2011 và đây là một hạng mục quan trọng trong nghiên cứu và phát triển công nghệ mới mà đơn vị dành nhiều sự đầu tư.
Ngoài phục vụ quốc phòng, những chiếc UAV của Viettel còn sử dụng trong cuộc sống như: giám sát hành lang điện cao thế, theo dõi sạt lở đất ở địa hình núi rừng, phục vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, xây dựng bản đồ số, giám sát, kiểm soát buôn lậu, phát hiện và khắc phục cháy rừng… UAV có thể theo dõi giao thông từ trên cao; theo dõi, kiểm soát tài nguyên rừng, khoáng sản; theo dõi và bảo tồn rừng nguyên sinh…
Đối với dự án Chính phủ điện tử, Viettel cho biết đã ấp ủ những ý tưởng cách đây 8 năm. Dự án hướng đến số hóa nền kinh tế, biến giấc mơ đưa Việt Nam “hóa rồng” thành sự thật.
Viettel xây dựng hạ tầng động bộ về công nghệ 4G, và hiện là đơn vị tiên phong trong công nghệ 5G với cuộc gọi thử đầu tiên ngày 10/5. Mạng 5G tạo ra nền tảng mạnh mẽ, kết nối thông minh, sâu rộng trong thế giới Internet vạn vật (IoT), mở đường cho sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cũng như hỗ trợ các lĩnh vực khác.
Trong giai đoạn tiếp theo (2018 – 2030), Viettel xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0. Tập đoàn định hướng vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm, đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Nguồn: vnexpress.net